Trăm danh thắng Edo Trăm danh thắng Edo

Sáng tác và phát triển

Loạt bản họa Trăm danh thắng của Edo được Hiroshige thực hiện từ năm 1856 đến 1858 – tức năm Ansei 3 đến Ansei 5 trong lịch Nhật Bản.[Ghi chú 3] Chúng bao gồm tổng cộng 119 bản in về phong cảnh và các địa danh mang tính biểu tượng của Edo – tên cũ của Tokyo. Đây cũng là một trong những dự án được dồn nhiều tâm huyết và cũng là dự án cuối cùng trong sự nghiệp của ông. Với loạt tác phẩm, tác giả cố gắng truyền đạt lại những đổi thay mà Edo lúc đó đang thực hiện vào những năm tháng cuối cùng của nó, đó là công cuộc tiến bộ và hiện đại hóa được thúc đẩy mạnh mẽ, dần thế chỗ các phong tục và truyền thống. Năm 1853, cuộc phong tỏa trên vùng biển Edo của Tướng quân Mỹ Matthew Perry đã buộc Thiên hoàng phải mở cửa giao thương Nhật Bản với các nước phương Tây. Sau đó, vào năm 1855, Edo phải hứng chịu một trận đại động đất (7,1 độ richter), hậu quả tàn khốc với 10.000 người chết và khoảng 16.000 tòa nhà bị phá hủy. Những thay đổi về diện mạo thành phố là mục tiêu mà Hiroshige muốn hướng đến trong sản phẩm của mình.

Vào thời điểm sáng tác, Hiroshige đang ở đỉnh cao của sự nghiệp: năm 1856, khi sáu mươi tuổi, ông thực hiện nghi lễ cạo đầu của Phật giáo, bắt đầu cuộc sống của một nhà sư. Được tài trợ bởi Sakanaya Eikichi, một biên tập viên muốn phản ánh những đổi thay tại Edo sau trận động đất. Hiroshige hiện thực hóa ý tưởng này trong hơn một trăm góc nhìn từ những địa điểm đẹp mỹ lệ cũng như nổi tiếng nhất của thành phố. Trên hết, ông muốn tìm kiếm những hình ảnh mới lạ, cách tiếp cận và những góc nhìn khác thường, chẳng hạn như chúng được chia theo khung dọc hoặc bị che một nửa bởi một vật nào đó chắn giữa phong cảnh và người xem. Loạt tác phẩm này đã được đón nhận nồng nhiệt – cứ mỗi bản họa này đều có 10.000 đến 15.000 bản sao khác được thực hiện. Đáng tiếc rằng chúng bị gián đoạn bởi tác giả của chúng đã qua đời trong một trận dịch tả tại Edo năm 1858. Tuy nhiên, một số bản khắc chưa hoàn thành bởi sư phụ, đã được đệ tử của ông là Utagawa Hiroshige II hoàn thiện về sau.[12]

Bộ tác phẩm này sử dụng định dạng dọc giống với loạt bản họa trước đó của Hiroshige, Những thắng cảnh tại hơn sáu mươi tỉnh thành, cho phép tạo ra nhiều thay đổi mới mẻ so với định dạng ngang mà ông từng theo đuổi. Bộ tác phẩm được sáng tác dưới kích cỡ ōban – cỡ lớn, khoảng 39,5 x 26,8 cm,[Ghi chú 4] và sử dụng kỹ thuật nishiki-e, một phương pháp áp màu được tạo ra vào thế kỷ 18 (khoảng năm 1765) cho phép tái hiện đa dạng sắc màu lên bản họa. Theo quy định của chính phủ, ông phải điều chỉnh các tác phẩm của mình để vượt qua khâu kiểm duyệt – với sắc lệnh năm 1790, qua trình sản xuất của tất cả các tác phẩm đều không được quá xa xỉ, cũng như không chứa tài liệu nhạy cảm về chính trị. Các bản họa được sáng tác trong nhiều giai đoạn: năm đầu tiên (1856) có 37 bản họa; năm 1857, lên đến 71 bản; và vào năm 1858, năm ông mất, là 7 bản. Có vẻ như nguyện vọng tác giả và nhà xuất bản là sẽ hoàn thành chúng vào tháng 7 năm 1858, với hai bản họa trong tháng này mang tiêu đề Bổ sung thêm của Trăm danh thắng Edo (Edo hyakkei yokyō); tuy nhiên đến tháng sau họ lại tiếp tục xuất bản ba bản họa khác với tiêu đề thông thường. 115 bức tranh khắc gỗ này được hoàn thành vào tháng 10 năm 1858 cùng với ba bản in khác, được các nhà kiểm duyệt phê duyệt sau khi tác giả qua đời, có lẽ các tác phẩm hoàn thiện của Hiroshige II được làm theo yêu cầu của nhà xuất bản. Phần mục lục sau đó được ủy quyền cho Baisotei Gengyo (1817-1880), một nhà thiết kế mục lục nổi tiếng. Cuối cùng, vào năm 1859, Hiroshige II đã làm một bản họa cuối cùng để kỷ niệm việc ông lên chức thầy giáo, được niêm phong trước khi đưa qua cơ quan kiểm duyệt vào tháng 4 năm 1859.[3]

Phố Suruga-chō
  • Hasegawa
  • Hiroshige

Phong cách thể hiện

Trong những năm 1829–36, một bộ sách hướng dẫn có minh họa gồm bảy tập Cảnh quan các địa danh nổi tiếng Edo (江戸名所図会, Edo meishō zue) ra mắt. Được chắp bút bởi Saitō Yukio (1737–1799) vào năm 1790 và kèm theo những hình minh họa với độ chính xác cao bởi Hasegawa Settan (1778–1848). Hình ảnh và văn bản trong đó thường tập trung mô tả các ngôi đền và điện thờ quan trọng, cũng như các cửa hàng, nhà hàng, quán trà, v.v. nổi tiếng tại Edo, đi cùng dòng sông Sumida, các kênh rạch và cảnh quan xung quanh. Hiroshige một số lần đã sử dụng những minh họa này làm tiền đề cho bản họa màu của mình.

Các bản họa được phân nhóm theo các mùa trong năm như: 42 bản họa mùa xuân, 30 bản mùa hè, 26 bản mùa thu và 20 bản mùa đông.[Ghi chú 5] Mặc dù tuổi đã cao, ông cũng đã mất đi một sức biểu cảm nhất định so với các bản họa trước, nhưng qua sự nắm bắt tinh tế của tác giả, bộ tác phẩm vẫn giữ được những sắc màu riêng không kém phần mãnh liệt, điều này chứng minh cho mối quan tâm đặc biệt của ông dành cho cảnh vật quê hương. Xuyên suốt loạt bản họa, Hiroshige đã thể hiện được nhiều kỹ thuật mà ông đã học được trong suốt sự nghiệp của mình như: karazuri, một kỹ thuật khắc nâng cao trong đó một tấm gỗ không chứa mực cần in trên giấy, nhằm tạo những đường nét nổi lên bề mặt; atenashi-bokashi, một kỹ thuật trộn chất lỏng với mực rồi trải rộng trên toàn bộ bề mặt, đặc biệt hiệu quả dành cho nướcmây; kimekomi, một kỹ thuật dùng bàn là ép lên giấy để tạo đường nét và đường viền; và kirakake, một kỹ thuật điêu luyện, được làm với hai mộc bản, một bằng màu và một bằng keo xương, sau khi in sẽ được rắc thêm bột mica.[13]

Sông Hase
  • Hasegawa
  • Hiroshige

Hiroshige thể hiện phong cảnh qua lăng kính cảm xúc, với một nhãn quan của người nghệ sĩ từ đó mà ông mô tả hiện thực theo góc nhìn chủ quan. Chúng gợi lên sự thấm thoát của thời gian, sự phù du của vẻ đẹp cuộc sống, mà theo lời dạy của Thiền tông về tính vô thường (mujō). Đối với người Nhật, như có một mối liên kết bẩm sinh giữa nghệ thuật và thiên nhiên, mà xuất phát từ đời sống nội tâm, họ cảm nhận chúng bằng một cảm giác u sầubuồn bã (mono-no-aware, thấu cảm phù du), có thể thấy rõ qua lễ hội Hanami, ca ngợi những bông hoa anh đào đẹp mà sớm tàn. Hiroshige cũng thường tái hiện cảnh vật qua những khung hình khác thường, đôi khi theo phối cảnh tuyến tính của phường Tây, thứ mà ông biết nhưng ít sử dụng, chủ yếu cho việc mô tả các rạp hát kabuki và quang cảnh đường phố. Thứ ông truyền tải cho người xem thấy thường là những hình tượng con người nhỏ bé đắm chìm giữa sự hùng vĩ của thiên nhiên, cùng với những con vật và đồ vật theo từng giai thoại, đôi khi theo một hơi hướng trào phúnghài hước nhất định, nhưng vẫn luôn dành một sự tôn trọng lớn đối với con người, đời sống và phong tục của tổ tiên để lại.[14]

Nhìn chung, tất cả các bản họa đều gồm ba phần tiêu đề: ở góc trên bên phải, là tên của bộ tác phẩm (Meisho Edo hyakkei), loại chữ giống trên giấy tanzaku với nền màu đỏ; tiếp đến là tên của bản họa đó, hình dạng một mẩu giấy shikishi; và ở góc dưới bên trái cũng có nền màu đỏ, đề tên tác giả, Hiroshige. Bên ngoài khung của bản họa, tại lề dưới bên trái, là con dấu của nhà xuất bản, Sakanaya Eikichi, thường xuyên xuất hiện, đôi khi kèm theo địa chỉ của ông (Shitaya Shinkuromonchō), và cũng có lúc được viết tắt là "Shitaya Uoei" (trong đó Uoei tương ứng với Uoya Eikichi, một tên khác cũng được biết đến). Ngoài khung nhưng ở trên cùng bên phải, thường là vị trí đánh dấu của người kiểm duyệt, aratame (đã kiểm tra), kèm theo ngày tháng, và con giáp theo từng năm: 1856 tức năm của con rồng (tatsu), 1857 tức con rắn (hebi) và năm 1858 tức con ngựa (uma).[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trăm danh thắng Edo http://www.biografiasyvidas.com/biografia/h/hirosh... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v...